Tuyến đường sắt Bắc – Nam với kỳ vọng ”lột xác”

Với tổng vốn đầu tư khoảng 7.000 tỷ đồng cải tạo hạ tầng, tuyến đường sắt Bắc – Nam được kỳ vọng sẽ “lột xác”. Việc này sẽ góp phần giảm thiểu nguy cơ mất an toàn giao thông; từng bước đồng nhất tải trọng khai thác trên toàn tuyến, tăng tốc độ chạy tàu lên khoảng 1,5 lần và tăng năng lực vận chuyển hành khách, hàng hóa lên từ 1,3 đến 1,6 lần.

Hạ tầng đường sắt xuống cấp trong khi nguồn lực đầu tư thiếu hụt là một trong những “điểm nghẽn” khiến cho ngành Đường sắt nhiều năm qua luôn trong tình cảnh “giật gấu vá vai”. Xuống cấp dẫn tới tải trọng tuyến đường sắt Bắc – Nam có sự khác nhau theo đoạn.

Cụ thể: Đoạn Hà Nội – Đà Nẵng tải trọng là 4,2 tấn/m, nhưng đoạn Đà Nẵng – thành phố Hồ Chí Minh chỉ 3,6 tấn/m. Điều này khiến đoàn tàu Bắc – Nam chưa khai thác hết năng lực, vì phải sử dụng tải trọng của đoạn thấp nhất cho toàn tuyến, dẫn tới lãng phí.

Cũng do xuống cấp nên không thể nâng được tốc độ chạy tàu. Mỗi khi có sự cố đường sắt, việc khắc phục rất khó khăn, kéo dài khiến cho hoạt động vận tải trên tuyến bị đình trệ. Chính vì vậy, gói đầu tư 7.000 tỷ đồng này mang một ý nghĩa rất lớn để ngành Đường sắt có cơ hội “lột xác”.

Gói thầu đầu tiên trong 4 dự án đường sắt thuộc nguồn vốn dự phòng trung hạn giai đoạn 2016-2020 với tổng kinh phí đầu tư 7.000 tỷ đồng nhằm cải tạo, nâng cấp một số vị trí trên tuyến đường sắt Hà Nội – thành phố Hồ Chí Minh được khởi công vào tháng 5-2020.

Tiếp sau đó, các gói thầu khác cũng lần lượt được triển khai. Đây là 4 dự án cấp thiết có quy mô rất lớn với xây dựng mới, cải tạo trên 100 cầu yếu; cải tạo, nâng cấp khoảng 30 nhà ga, mở mới 7 ga; cải tạo, nâng cấp hơn 200km đường sắt…

Khi hoàn thành, các dự án này sẽ góp phần giảm thiểu nguy cơ mất an toàn giao thông đối với các cầu, hầm yếu. Cùng với đó sẽ từng bước đồng nhất tải trọng khai thác trên toàn tuyến từ 3,6 tấn/m lên 4,2 tấn/m; tăng năng lực thông qua từ 18 đôi tàu/ngày đêm như hiện nay lên 23-25 đôi tàu/ngày đêm. Khối lượng vận chuyển hàng hóa trên toàn tuyến cũng sẽ tăng 1,3-1,5 lần và khối lượng vận chuyển hành khách tăng 1,5-1,6 lần. Tốc độ tàu khách tăng lên bình quân 80km/giờ, tàu hàng là 50km/giờ.

“Dự án sẽ tháo gỡ cơ bản những nút thắt vận tải đường sắt. Việc tăng được chiều dài, tải trọng đoàn tàu sẽ tăng được số lượng đoàn tàu trong ngày. Vận tải sẽ có cơ hội tăng sản lượng, doanh thu, trong khi vẫn tận dụng, khai thác hết công suất đầu máy, chi phí sức kéo. Đây sẽ là dư địa để ngành Đường sắt phát triển”, Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) Đặng Sỹ Mạnh khẳng định.

Ông Mai Minh Việt, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt cho biết, đơn vị được giao làm chủ đầu tư 3/4 dự án gồm: Cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Hà Nội – Vinh; cải tạo, nâng cấp các cầu yếu và gia cố trụ chống va xô; cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Nha Trang – Sài Gòn. Dự án thực hiện trên tuyến đường sắt đang khai thác nên chủ đầu tư và các nhà thầu gặp nhiều khó khăn do vừa thi công, vừa bảo đảm an toàn chạy tàu, trong khi tiến độ gấp gáp, phải hoàn thành trong năm 2021.

Cho đến thời điểm này, tiến độ của từng dự án vẫn đang đáp ứng được yêu cầu. Trong đó, dự án cải tạo đoạn Hà Nội – Vinh đã giải ngân được 349,5 tỷ đồng/1.021 tỷ đồng (đạt 34% giá trị xây lắp); dự án đoạn Nha Trang – Sài Gòn đã giải ngân 517,5 tỷ đồng/1.442 tỷ đồng (đạt 36% giá trị xây lắp); Dự án nâng cấp cầu yếu đã giải ngân 559,1 tỷ đồng/1.500 tỷ đồng (đạt 37% giá trị xây lắp).

Để vừa thi công vừa bảo đảm chạy tàu, ngành Đường sắt đã phải cắt giảm năng lực chạy tàu. Theo tính toán của VNR, việc thi công các dự án sẽ giảm năng lực tàu thông qua toàn tuyến Bắc – Nam khoảng 30% so với hiện nay. Có những thời điểm, VNR phải điều chỉnh lại toàn bộ biểu đồ trên tuyến. Ngoài ra, đợt mưa lũ kéo dài tại các tỉnh miền Trung vào quý IV-2020 cũng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ dự án.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông khẳng định, đây là dự án rất đặc biệt vì rất lâu mới có được nguồn vốn lớn để cải tạo, nâng cấp hạ tầng đường sắt có tính chất tập trung. Dự án này cũng là kỳ vọng của cán bộ, công nhân viên ngành Đường sắt trong nhiều năm qua để nâng cao chất lượng hạ tầng, phục vụ khai thác tốt hơn cho vận tải, cũng là tiền đề để Chính phủ quan tâm bố trí vốn cho cải tạo, nâng cấp hạ tầng đường sắt giai đoạn tiếp theo…

Theo Hà Nội mới

Scroll to Top