Nội dung trọng tâm công tác nghiên cứu ứng dụng KHCN cấp Tổng công ty ĐSVN năm 2022

Nhằm tiếp tục triển khai các nội dung của Đề án “Ứng dụng khoa học công nghệ trong Tổng công ty Đường sắt Việt Nam giai đoạn 2019-2030” và chủ động thực hiện nhiệm vụ thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 theo chủ trương của các cấp ủy Đảng về việc cần có giải pháp tổng thể ở tầm vĩ mô để việc ứng dụng, chuyển giao công nghệ đường sắt bảo đảm tiên tiến, hiện đại và làm chủ được công nghệ, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam khuyến khich các đơn vị chủ động nghiên cứu ứng dụng KHCN vào sản xuất, hợp lý dây chuyền sản xuất tại đơn vị nhằm nâng cao chất lượng, giảm chi phí. Trọng tâm nhiệm vụ KHCN của Tổng công ty năm 2022 tập trung vào các nhóm lĩnh vực sau:

– Các giải pháp khoa học công nghệ tổng thể mang tính mũi nhọn, đột phá tạo hiệu quả đặc biệt trong SXKD của Tổng công ty; những phương án kinh doanh nhằm phát triển các ngành nghề chính, phát huy thế mạnh của các ngành dịch vụ hỗ trợ; thu hút vốn đầu tư; đơn giản hóa thủ tục hành hành chính, sử dụng hiệu quả trục liên thông văn bản; tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đặc biệt trong vận tải và quản lý nhiên liệu; xây dựng văn hóa doanh nghiệp tiên tiến.

– Các giải pháp phục vụ trực tiếp công tác quản trị doanh nghiệp và tổ chức SXKD: nâng cao sức cạnh tranh, đổi mới, hoàn thiện hệ thống quy chế quản lý nội bộ; quản trị nguồn nhân lực tạo động lực phát triển phù hợp với mô hình tổ chức; xây dựng là hoàn thiện các định mức kinh tế – kỹ thuật phát huy vai trò người đại diện phần vốn, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

– Triển khai các nội dung của Đề án “Ứng dụng khoa học công nghệ trong Tổng công ty ĐSVN giai đoạn 2019-2030”, Đề án “Cải thiện hạ tầng và chất lượng dịch vụ đường sắt phục vụ khách du lịch”.

– Các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin vào quản trị doanh nghiệp, sản xuất kinh doanh, đảm bảo an toàn, đặc biệt trong phân tích, cảnh báo, hỗ trợ quản lý, bảo trì và kinh doanh kết cấu hạ tầng, điều hành vận tải; các phần mềm phân hệ thiết yếu của hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp (ERP);, Bộ chỉ số đánh giá chất lượng hoàn thành công việc (KPI), xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ chuyển đổi số hoạt động doanh nghiệp, chương trình và lộ trình chuyển đổi số.

– Các giải pháp áp dụng công nghệ vận tải tiên tiến, đảm bảo tiếp nhận chuyển giao, vận hành an toàn và hiệu quả hệ thống bán vé điện tử, phần mềm lõi quản trị hàng hóa; xây dựng hệ thống quản trị logistics tích hợp, sàn giao dịch vận tải, dữ liệu chủ hàng, mở rộng mạng lưới khách hàng, vận tải đa phương thức, đa dịch vụ, thương mại điện tử, triển khai ki-ốt bán vé tự động, quay vòng toa xe hiệu quả.

– Các giải pháp công nghệ, phần mềm hỗ trợ công tác quản lý thông tin truyền thông, an toàn lao động, an toàn chạy tàu, cứu hộ, cứu nạn, nâng cao nhận thức về an toàn giao thông đường sắt, đặc biệt ở những điểm có nguy cơ rủi ro cao. Các giải pháp chủ động giám sát, phòng ngừa tai nạn GTĐS, từng bước tự động hóa công tác cảnh giới tại các lối đi tự mở. Xây dựng kịch bản chiến lược về an toàn giao thông đường sắt trước biến đổi khí hậu.

– Các giải pháp sắp xếp lại tổ chức sản xuất, cải tạo các cơ sở sửa chữa, chế tạo lắp ráp đầu máy, toa xe, sản xuất phụ tùng thay thế, ưu tiên hợp tác và chuyển giao công nghệ, ứng dụng công nghệ, vật liệu mới, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa (đầu máy từ 20% trở lên, toa xe từ 60% trở lên), đáp ứng nhu cầu vận tải (đầu máy đáp ứng yêu cầu của Tổng công ty, toa xe đáp ứng yêu cầu trong nước, hướng tới xuất khẩu). Các giải pháp đóng mới các loại tàu động lực phân tán kéo 02-04-06 toa, ứng dụng công nghệ hãm tiên tiến, kiểm soát vật tư, nhiên liệu, dầu nhờn trong quá trình nhập, xuất, sử dụng.

– Các giải pháp ứng dụng vật liệu, công nghệ mới, nội địa hóa một số thiết bị điều khiển chạy tàu, máy móc bảo trì, sửa chữa kết cấu hạ tầng đường sắt, giảm xóc lắc, đồng đều tải trọng, nâng cao năng lực thông qua trong điều kiện đường đơn; xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia trên nền bản đồ số. Đẩy mạnh ứng dụng kết quả các dự án nâng cấp TTTH, giám sát tập trung mạng cáp quang đường sắt, kết nối tập trung, liên lạc giữa trực ban, phòng điều độ và chốt gác đường ngang; các giải pháp sử dụng hệ thống TTTH đã được đầu tư để giảm nhân lực như tại các vị trí gác ghi. Các giải pháp chống sụt lún nền đường, ta luy, áp dụng tà vẹt sợi tổng hợp, công nghệ ray hàn liền, cảnh báo tự động tại lối đi tự mở có tần suất lưu thông lớn, ứng dụng chạy tàu kế tiếp trong khu gian.

– Các giải pháp kiểm soát, phòng ngừa và hạn chế gia tăng ô nhiễm môi trường trong hoạt động vận tải đường sắt; đẩy mạnh sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, phòng, chống sụt trượt, kiên cố hóa công trình giao thông, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, đẩy mạnh sử dụng nhiên liệu sạch, năng lượng tái tạo và các dạng năng lượng thay thế khác.

Kế hoạch Khoa học và công nghệ cấp Tổng công ty năm 2022 đã được triển khai tới các đơn vị trong ngành. Thời gian nhận đề xuất nhiệm vụ KHCN đến hết hết ngày 30/4/2021 và Danh mục nhiệm vụ KHCN sẽ được công bố công khai từ ngày 01/7/2021 đến ngày 01/8/2021 trên trang thông tin điện tử của Tổng công ty ĐSVN.

Vui lòng liên hệ với Ban HTQT&KHCN (ĐT: 0243 8223650, Fax: 0243 9424998, E-Office: Văn thư Ban HTQT&KHCN) để được hướng dẫn chi tiết hoặc tham khảo thêm thông tin trong Văn bản số 678/ĐS-QTCN ngày 31/3/2021 gửi kèm.

ĐSVN

Scroll to Top